FIATA Là Gì? Quy Tắc Mẫu Của FIATA Về Dịch Vụ Giao Nhận

FIATA là gì? chắc chắn có nhiều bạn làm nghề logistics đã biết đến tổ chức FIATA, nhưng chưa nắm rõ về tổ chức FIATA thì bạn nên tìm hiểu kỹ trong nội dung bài viết dưới đây. Bởi FIATA là tổ chức có ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động giao nhận vận tải quốc tế

>>>> Xem thêm: Khóa học Mua hàng quốc tế chuyên sâu

1.FIATA là gì?

FIATA (Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế – International Federation of Freight Forwarders Associations) là tên viết tắt của Fédération Internationale des Associations de Transitaires et Assimilés trong tiếng Pháp. FIATA đôi khi còn được gọi là một network, đây là tổ chức lớn nhất thế giới trong lĩnh vực giao nhận vận tải.

FIATA có nhiệm vụ chính là hình thành tiêu chuẩn nghề nghiệp và nâng cao năng lực quản lý. FIATA đang không ngừng phát triển và đổi mới phù hợp với sự phát triển chung của ngành giao nhận vận tải quốc tế, logistics.

Sự hình thành và phát triển của FIATA

FIATA được thành lập tại Vienna, Áo vào năm 1926 và có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ.
Các thành viên của tổ chức này khá đa dạng bao gồm:
- Các hiệp hội
- Các cá nhân
- Các nhóm
- Thành viên danh dự

FIATA là một tổ chức phi chính phủ đại diện cho các Freight forwarder ở khoảng 150 quốc gia. Thành viên của FIATA bao gồm 108 Thành viên Hiệp hội và hơn 5.800 Thành viên Cá nhân, đại diện cho hơn 40.000 công ty giao nhận và logistics trên toàn thế giới.

FIATA có tư cách tham vấn với Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc ECOSOC (còn gọi là ECE, ESCAP, ESCWA), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD, và Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế UNCITRAL.

FIATA được công nhận là đại diện cho ngành giao nhận hàng hóa bởi nhiều tổ chức chính phủ, cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế tư nhân trong lĩnh vực vận tải như:

Phòng Thương mại Quốc tế ICC
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA
Liên minh Đường sắt Quốc tế
Liên minh vận tải đường bộ quốc tế
Tổ chức Hải quan Thế giới WCO
Tổ chức Thương mại Thế giới WTO,...

Nội dung hoạt động của FIATA

FIATA cam kết đại diện cho lợi ích của các thành viên bằng cách tích cực tham gia với Tổ chức Thương mại Thế giới, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, các tổ chức vận tải, các đối tác toàn cầu và chính phủ để thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của forwarder, nghiên cứu cải tiến các biện pháp, trình tự, thủ tục giao nhận nhằm nâng cao hiệu quả của dịch vụ giao nhận, đào tạo nghiệp vụ ở trình độ quốc tế, tăng cường các quan hệ phối hợp giữa forwarder với chủ hàng và carriers.

Hoạt động của FIATA còn được thông qua nhiều tiểu ban bao gồm:

- Tiểu ban về các quan hệ xã hội;
- Tiểu ban nghiên cứu về kỹ thuật vận tải đường bộ, đường không, đường sắt,…;
- Tiểu ban về luật pháp, chứng từ và bảo hiểm;
- Tiểu ban về đào tạo nghề nghiệp;
- Tiểu ban về hải quan;
- Ủy ban đơn giản hóa thủ tục buôn bán;
– Ủy ban về vận tải đường biển và vận tải đa phương thức;…

»»» Khóa Học Xuất Nhập Khẩu Online Cho Người Mới Bắt Đầu - Tương tác trực tiếp với chuyên gia xuất nhập khẩu trên 15 năm kinh nghiệm

2. Quy tắc của FIATA cho dịch vụ giao nhận vận tải quốc tế - freight forwarding.

Hầu hết các nhà giao nhận vận tải quốc tế – freight forwarder trên thế giới đều sử dụng bộ quy tắc FIATA trên vận đơn do mình phát hành, các bạn nhân viên tại các freight forwarder đều tiếp xúc với vận đơn hằng ngày nhưng rất ít khi để ý, tìm hiểu điều khoản đằng sau vận đơn. Vì vậy, mình sẽ tóm lược các điều khoản FIATA sao cho ngắn gọn và dễ hiểu, các bạn sinh viên cũng có thể dùng nội dung này để nghiên cứu.

Bộ quy tắc của FIATA cho dịch vụ giao nhận vận tải

Bộ quy tắc được chúng tôi tóm tắt lại ngắn gọn và có tham khảo bản dịch của các tác giả.
Phần I: Các quy tắc chung

1. Phạm vi áp dụng

1.1 Những quy tắc dưới đây được áp dụng khi thể hiện bằng văn bản, lời nói hay nhắc đến trong hợp đồng

1.2 Khi áp dụng bộ quy tắc này, nếu có điều khoản nào trong hợp đồng xung đột (conflict) với bất kỳ quy tắc nào của FIATA thì sẽ áp dụng quy tắc FIATA thay vì điều khoản hợp đồng, trừ trường hợp những điều khoản đó làm tăng trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà giao nhận vận tải.

2. Định nghĩa

2.1 Dịch vụ giao nhận vận tải là tất cả dịch vụ liên quan đến vận chuyển, gom hàng, lưu trữ hàng, xử lý hàng, đóng gói hàng, phân phối hàng cùng các dịch vụ phụ trợ khác như tư vấn, thủ tục hải quan, tài chính, bảo hiểm, thu thập chứng từ và thanh toán liên quan đến hàng hóa.

2.2 Nhà giao nhận vận tải là các các chủ thể cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải cho khách hàng.

2.3 Hãng vận chuyển là các chủ thể vận chuyển hàng hóa thực tế bằng phương tiện vận chuyển của họ hoặc chủ thể có trách nhiệm pháp lý về vận chuyển (người thầu vận chuyển – contracting carrier)

2.4 Khách hàng là các chủ thể có quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dịch vụ giao nhận vận tải đã ký với nhà giao nhận vận tải quốc tế hoặc là chủ thể có những tác động liên quan đến dịch vụ này.

2.5 Hàng hóa là bất kì tài sản nào bao gồm cả động vật sống cũng như container, pallet hoặc các bao bì hàng hóa khác mà không được cung cấp bởi nhà giao nhận vận tải.

2.6 SDR (Special Drawing Right) là quyền rút vốn đặc biệt được quy định bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

2.7 Những quy tắc bắt buộc là toàn bộ những điều khoản không thể tách rời trong hợp đồng mà có thể gây thiệt hại cho khách hàng.

2.8 Văn bản là thông tin bằng chữ viết được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng điện tử, từ tính, quang học hoặc phương tiện tương tự bao gồm, nhưng không giới hạn, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI – Electronic Data Interchange), telegram, telex, telefax hoặc thư điện tử nếu các thông tin đó có thể truy cập được để sử dụng.

2.9 Hàng hóa giá trị cao bao gồm kim loại quý dạng thỏi (vàng, bạc, v.v), tiền xu, tiền giấy, công cụ chuyển nhượng (negotiable instruments), đá quý, trang sức, đổ cổ, tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật hoặc bất kỳ tài sản nào có giá trị vượt quá giá trị hàng hóa thương mại thông thường.

2.10. Hàng nguy hiểm là hàng hóa bị hoặc có thể trở nên nguy hiểm, dễ cháy, có chất phóng xạ hay gây nguy hại đến môi trường tự nhiên.

3. Bảo hiểm
Nhà giao nhận vận tải không thể tác động đến bảo hiểm, trừ khi có lệnh bằng văn bản của khách hàng. Bảo hiểm này sẽ loại trừ các ngoại lệ và điều kiện đặt ra bởi công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm đối với rủi ro. Trừ trường hợp được quy định trong hợp đồng, nhà giao nhận vận tải sẽ không có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm riêng cho từng lô hàng mà có thể mua bảo hiểm cho toàn bộ lô hàng theo chính sách của nhà giao nhận vận tải

4. Các tình huống bất lợi

Trong tình huống nào công việc của nhà giao nhận vận tải bị hoặc có thể bị ảnh hưởng bởi các trở ngại hoặc bất kỳ loại rủi ro nào (bao gồm cả việc liên quan đến tình trạng hàng hóa) mà không phải lỗi họ hay không thể nào tránh được, nhà giao nhận vận tải có thể ngừng việc vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng, hoặc nếu có thể, để hàng hóa hoặc một phần hàng hóa của khách hàng tại bất kì nơi nào mà nhà giao nhận vận tải cảm thấy an toàn và tiện lợi, khi đó, trách nhiệm của nhà giao nhận tải chấm dứt. Nếu xảy ra trường hợp trên, nhà giao nhận vận tải sẽ được nhận hoàn toàn tiền vận chuyển theo hợp đồng và khách hàng phải trả toàn bộ các chi phí phát sinh.

5. Phương thức và tuyến đường vận tải

Nhà giao nhận vận tải sẽ thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa dựa trên yêu cầu và hướng dẫn của khách hàng đã được thỏa thuận. Nếu yêu cầu, hướng dẫn của khách hàng không chính xác, không hoàn chỉnh hoặc không có trong hợp đồng, nhà giao nhận vận tải có thể vận chuyển hàng hóa bằng phương thức mà theo họ là thích hợp với chi phí và rủi ro thuộc về khách hàng.
Nếu không được thoả thuận từ trước, nhà giao nhận vận tải có thể vận chuyển hàng hóa trên boong tàu hoặc dưới hầm hàng mà không cần thông báo cho khách hàng. Nếu có thông báo với khách hàng, nhà giao nhận vận tải có thể chọn hoặc thay đổi phương thức vận chuyển, tuyến đường và quy trình các công việc như xử lý hàng, xếp hàng, lưu trữ và vận chuyển hàng hóa.

Phần II: Trách nhiệm của nhà giao nhận vận tải

6. Trách nhiệm của nhà giao nhận vận tải (không phải là đại lý)

6.1 Trách nhiệm cơ bản

6.1.1. Nhà giao nhận vận tải phải chịu trách nhiệm nếu họ không đạt thẩm định về dịch vụ giao nhận hàng hóa, bao gồm cả các việc thuộc điều 8, phải bồi thường cho khách hàng về phần hàng hóa bị thất lạc hay hư hỏng cũng như thất thoát về tài chính mà lỗi thuộc về nhà giao nhận vận tải

6.1.2 Nhà giao nhận vận tải sẽ không chịu trách nhiệm về các hành động và thiếu sót của bên thứ 3, ví du như, nhưng không giới hạn, hãng vận chuyển, nhân viên kho, công nhân bốc vác, chính quyền cảng hoặc các nhà giao nhận vận tải khác. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu trách nhiệm nếu không thẩm định tốt quá trình lựa chọn, hướng dẫn và giám sát các bên thứ ba.

7. Trách nhiệm của nhà giao nhận vận tải (là đại lý)

7.1 Trách nhiệm của nhà giao nhận vận tải đóng vai trò là hãng vận chuyển

Nhà giao nhận vận tải sẽ chịu trách nhiệm không chỉ khi tự vận tải hàng hóa bằng phương tiện của họ, mà cả khi, phát hành chứng từ hoặc khi họ là người thầu vận chuyển (contracting carrier).
Tuy nhiên, nhà giao nhận vận tải sẽ không chịu trách nhiệm giống như hãng vận chuyển nếu như khách hàng nhận chứng từ vận tải được phát hành bởi chủ thể khác mà không phải là nhà giao nhận vận tải và sẽ duy trì như vậy trong khoảng thời gian hợp lý.

7.2 Trách nhiệm của nhà giao nhận vận tải khi cung cấp các dịch vụ khác

Với các dịch vụ khác ngoài vận chuyển hàng hóa như, nhưng không giới hạn, lưu trữ, xử lý, đóng gói hoặc phân phối hàng hóa cũng như các dịch vụ phụ trợ khác có liên quan, nhà giao nhận vận tải phải chịu trách nhiệm khi:

1/ Những dịch vụ trên được thực hiện bởi nhà giao nhận vận tải tại cơ sở của họ, nhân viên của họ hoặc

2/ Khi nhà giao nhận vận tải tự công nhận rằng họ sẽ chịu trách nhiệm cho các việc làm trên.

7.3 Trách nhiệm cơ bản

Nhà giao nhận vận tải phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả các việc thuộc điều 8, cho hành động và thiếu sót của bên thứ ba khi nhà giao nhận vận tải thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa hoặc các dịch vụ khác. Lúc này, quyền và nghĩa vụ của nhà giao nhận được áp dụng theo luật của phương thức vận chuyển đó và dịch vụ đã cung cấp, cũng như các điều khoản đã được thoả thuận từ trước.

8. Các khoản loại trừ, định giá, và giới hạn trách nhiệm

8.1 Các khoản loại trừ
Nhà giao nhận vận tải không cần phải chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau:

1. Hàng giá trị cao hoặc hàng nguy hiểm mà không được thông báo trước cho nhà giao nhận vận tải.

2. Thiệt hại vì bị trì trễ (delay) nếu không được thoả thuận từ trước bằng văn bản.

3. Thiệt hại không trực tiếp hoặc thiệt hại là hậu quả bởi, nhưng không giới hạn, mất lợi nhuận hoặc mất thị trường.

4. Thiệt hại hay hư hỏng hàng hóa do tính chất của hàng hóa.

5. Hành động hoặc sơ suất của khách hàng, đại lý của khách hàng hay bất kì bên thứ ba nào khác do khác hàng chỉ định.

6. Đóng gói và ghi nhãn hàng hóa không thích hợp, trừ khi dịch vụ này là do nhà giao nhận vận tải cung cấp theo điều 7.2.

8.2. Định giá khoản bồi thường

Trị giá hàng hóa được xác định theo giá trên sàn giao dịch hoặc giá trị trên thị trường. Nếu không có hai loại giá này thì sẽ tham chiếu giá trị thông thường của hàng cùng loại và cùng một chất lượng.

8.3 Giới hạn bồi thường

8.3.1 Hàng hóa bị thất lạc hoặc hư hỏng

Ngoài các khoản thuộc điều điều 7.3, khoản bồi thường của nhà giao nhận vận tải cho hàng hóa bị thất lạc hoặc hư hỏng sẽ không vượt quá 2 SDR cho mỗi kilogram trọng lượng cả bì của hàng hóa bị thất lạc hoặc hư hỏng trừ trường hợp trị giá này nhỏ hơn khoản bồi thường mà nhà giao nhận vận tải nhận được từ chủ thể mà họ chịu trách nhiệm. Nếu như hàng hóa không được giao sau 90 ngày kể từ ngày đáng lẽ giao hàng, hàng hóa sẽ được xem là bị thất lạc mà không cần bằng chứng.

8.3.2 Hàng hóa bị trễ (delay)

Nếu nhà giao nhận vận tải chịu trách nhiệm bồi thường nếu hàng hóa bị trễ, khoản bồi thường này sẽ không vượt quá phần tiền mà họ nhận được khi cung cấp dịch vụ dẫn đến việc hàng hóa bị trễ (delay)

8.3.3. Các thiệt hại khác về hàng hóa

Ngoài các khoản thuộc điều điều 7.3, 8.3.1, 8.3.2, nhà giao nhận vận tải chỉ bồi thường tối đa … SDR(1) cho mỗi vụ việc trừ trường hợp trị giá này nhỏ hơn khoản bồi thường mà nhà giao nhận vận tải nhận được từ chủ thể mà họ chịu trách nhiệm.

(1): Khoản bối thường tối đa sẽ dựa trên tình hình thực tế của quốc gia áp dụng bộ quy tắc FIATA này. Tại Việt Nam, khoản này là 500,000,000 VNĐ theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 5, Nghị định 163/2017/NĐ-CP.

9. Thông báo

9.1 Nếu sự hư hỏng hay thất lạc hàng hóa không được ghi nhận bằng văn bản khi khách hàng đưa hàng hóa cho nhà giao nhận vận tải thì hàng hóa sẽ được xem là ở trong tình trạng tốt. Trong vòng 6 ngày tiếp theo, hàng hóa sẽ vẫn được xem là ở trong tình trạng tốt nếu không có thông báo gì bằng văn bản.

9.2 Khi hàng hóa bị thất lạc hay hư hỏng, mọi khiếu nại của khách hàng phải được thông báo bằng văn bản cho nhà giao nhận vận tải trong vòng 14 ngày kể từ ngày khách hàng biết hoặc đáng lẽ biết được về sự việc dẫn đến hàng hóa bị thất lạc hay hư hỏng. Bất kì khiếu nại nào không được thông báo trong thời hạn trên thì nhà giao nhận vận tải sẽ không chịu trách nhiệm trừ trường hợp khách hàng chứng minh được rằng khách hàng không thể thông báo đúng hạn được do nguyên nhân không phải do khách hàng và khách hàng đã cố gắng thông báo sớm nhất có thể.

10. Mốc thời gian (time bar)
Nhà giao nhận vận tải, trừ khi được thỏa thuận trước, sẽ hết hoàn toàn trách nhiệm với các điều trong quy tắc này trừ trường hợp nhà giao nhận vận tải bị kiện trong vòng 9 tháng kể từ ngày hàng hóa được giao, đáng lẽ được giao hoặc hàng hóa được xem là bị thất lạc sau 90 ngày.

Đối với các thiệt hại khác ngoài hàng hóa bị thất lạc hay hư hởng, thời hạn cũng là 9 tháng tương tự như trên.

11. Áp dụng cho trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng

Những quy tắc này áp dụng cho mọi khiếu nại về nhà giao nhận vận tải, kể cả khi khiếu nại có nằm trong hợp đồng hay chỉ là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng (in tort).

12. Trách nhiệm của người làm thuê và các chủ thể khác

Những quy tắc này áp dụng cho mọi khiếu nại về người làm thuê, đại lý hay bất kì chủ thể nào mà được nhà giao nhận vận tải sử dụng để thực hiện dịch vụ (bao gồm cả người lao động độc lập – independent contractor) kể cả khi khiếu nại có nằm trong hợp đồng hay chỉ là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng (ỉn tort). Khoản bồi thường cho người làm thuê, đại lý và các chủ thế trên không vượt quá khoản bồi thường giữa nhà giao nhận vận tải và khách hàng trong những quy tắc này.

Phần III: Trách nhiệm và nghĩa vụ của khách hàng

13. Các trường hợp bất khả kháng

Trong trường hợp bất khả kháng xảy ra, nhà giao nhận vận tải sẽ thực hiện các hành động mà được xem là tốt nhất cho khách hàng, khi đó các chi phí phát sinh sẽ do khách hàng chịu trách nhiệm

14. Không bù trừ (cấn trừ)

Mọi khoản tiền thanh toán sẽ không được giảm giá hay trì hoãn bởi bất cứ khiếu nại, kiến ngược (counterclaim) hay bù trừ.

15. Cầm giữ hàng hóa

Nhà giao nhận vận tải có thể, theo đúng pháp luật hiện hành, cầm giữ hàng hóa hoặc chứng từ liên quan trong khoảng thời gian không xác định với chi phí lưu trữ hàng hóa do khách hàng chi trả. Nhà giao nhận vận tải có thể cầm giữ hàng hóa bằng bất kì phương pháp nào mà họ cảm thấy phù hợp.

16. Thông tin

Khách hàng phải đảm bảo cho nhà giao nhận vận tải về độ chính xác, thời điểm mà giao hàng cho nhà giao nhận vận tải, của đặc tính hàng hóa, nhãn dán, mã hiệu, trọng lượng, thể thích, số lượng và, nếu có thể, tính chất nguy hiểm của hàng hóa.

17. Trách nhiệm bồi thường

17.1 Trách nhiệm bồi thường chung

Ngoại trừ những trách nhiệm của nhà giao nhận vận tải quốc trong phần II, khách hàng phải bồi thường cho nhà giao nhận theo toàn bộ trách nhiệm liên quan đến dịch vụ giao nhận vận tải quốc tế.

17.2 Trách nhiệm bồi thường theo tổn thất chung

Khách hàng phải bồi thường cho nhà giao nhận vận tải theo các khiếu nại về tổn thất chung và cung cấp vật bảo đảm/thế chấp (security) nếu như được yêu cầu bởi nhà giao nhận vận tải.

18. Trách nhiệm của khách hàng

Khách hàng phải chịu trách nhiệm với nhà giao nhận vận tải khi xảy ra tổn thất như thất lạc hay hư hỏng hàng hóa, phát sinh chi phí do lỗi của khách hàng đã cung cấp thông tin không chính xác và không đầy đủ khi giao hàng hóa cho nhà giao nhận vận tải hoặc bất kì chủ thể nào được nhà giao nhận vận tải uỷ quyền. Tổn thất này có thể là thương tích hoặc liên quan đến tính mạng, thiệt hài về tài sản, gây hại đến môi trường hoặc các loại tổn thất khác.
Phần IV: Trách nhiệm và nghĩa vụ của khách hàng

19. Quyền tài phán và luật áp dụng

Trừ khi có thoả thuận trước, các tố tụng liên quan đến nhà giao nhận vận tải chỉ có thể diễn ra tại quốc gia mà nhà giao nhận vận tải hoạt động kinh doanh.

20. Điều khoản thi hành

Những quy tắc này chỉ áp dụng khi chúng không xung đột với các công ước quốc tế hoặc luật của quốc gia sở tại về dịch vụ giao nhận vận tải.

Hy vọng bài viết về tổ chức FIATA đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những quy tắc của tổ chức này đối với hoạt động giao nhận vận tải quốc tế.

>>>>> Bài viết tham khảo: học xuất nhập khẩu ở Hà Nội & TPHCM

Xuất nhập khẩu Lê Ánh – Nơi đào tạo xuất nhập khẩu thực tế số 1 Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức thành công các khóa học xuất nhập khẩuvà hỗ trợ việc làm cho hàng nghìn học viên, mang đến cơ hội làm việc trong ngành logistics và xuất nhập khẩu đến với đông đảo học viên trên cả nước

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết về các khóa học xuất nhập khẩu: 0904848855/0966199878

Xem thêm:

Lương nhân viên sale xuất khẩu bao nhiêu?

Lộ Trình Phát Triển Của Nhân Viên Thu Mua

Bộ Chứng Từ Xuất Nhập Khẩu

Bình luận
Đánh giá của bạn
ĐĂNG KÝ KHÓA HỌC

Đăng ký khóa học ngay hôm nay để nhận được nhiều phần quà hấp dẫn

Hotline: 0966199878

Đăng ký
khoa-hoc-xuat-nhap-khau-tphcm 0904.848.855 - 0966.199.878
1 2 Tư vấn facebook