Những Khó Khăn Trong Thanh Toán Quốc Tế

Trong những năm qua, hoạt động thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn tồn tại những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thanh toán nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung.

Trình độ nghiệp vụ ngoại thương và thanh toán của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam còn hạn chế, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động thanh toán, đây là một nhược điểm lớn.

Hiện nay, giá cả hàng hóa lên xuống thất thường, tỷ giá ngoại tệ liên tục thay đổi, tình hình chính trị tại nhiều nước không ổn định có thể gây rủi ro rất lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu nói chung cũng như hoạt động thanh toán nói riêng.

>>>>>> Tham khảo thêm: Khóa học xuất nhập khẩu online

I.Đánh giá về những khó khăn trong thanh toán quốc tế

Hiện nay, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu cùng vấn đề về thực hiện thanh toán quốc tế khi khả năng thanh toán của bạn hàng giảm sút.

Rủi ro trong khâu thanh toán quốc tế luôn có khả năng xảy ra bất cứ lúc nào mà nhiều khi không thể lường trước được. Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đã gặp phải những vấn đề, rủi ro do khâu thanh toán gây nên.

Hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu với sự tham gia của yếu tố nước ngoài, liên quan nhiều tới lĩnh vực pháp luật vì nó bị nhiều nguồn luật điều chỉnh như: nguồn luật quốc gia của các bên tham gia ký kết hợp đồng, các tập quán quốc tế, án lệ…

Tuy nhiên hiện nay nước ta vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định, hướng dẫn giao dịch thanh toán quốc tế làm chuẩn hóa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp và ngân hàng vẫn thường sử dụng cuốn “ Quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP)” để điều chỉnh hoạt động thanh toán quốc tế có liên quan đến phương thức thanh toán tín dụng chứng từ, bên cạnh đó có thêm ISBP 681 để bổ sung. Trên thực tế, đôi khi hai văn bản này khá khó hiểu đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên gây ra những sai biệt, có nhiều điểm vẫn còn mâu thuẫn đã gây khó khăn cho cả phía ngân hàng lẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ở một số ngân hàng, công nghệ thanh toán còn lạc hậu, chưa bắt kịp được với các quốc gia khác trên thế giới. Thời gian giao dịch thanh toán còn chậm do phụ thuộc nhiều vào thao tác của con người; hệ thống máy tính, đường truyền không theo kịp khối lượng giao dịch, gây sự tắc nghẽn đường truyền, lỗi hệ thống. Do vậy mà việc thanh toán của các doanh nghiệp sẽ mất thời gian hơn, chậm trễ hơn, chịu lãi suất cao hơn, rủi ro cao hơn.

II. Những khó khăn về thanh toán quốc tế do biến động tỷ giá hối đoái.

Rủi ro tỷ giá trong XNK là thường xuyên gặp phải và đáng lo ngại nhất đối với các công ty hoạt động XNK. Sự thay đổi tỷ giá khiến giá trị kỳ vọng của các khoản thu hoặc chi trong tương lai bị thay đổi khiến cho hoạt động kinh doanh XNK ảnh hưởng đáng kể. Sự biến động của tỷ giá khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bất ngờ mà không lường trước và tránh được khi ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng. Nhiều hợp đồng kinh doanh đã lỗ nặng khi tới thời điểm thanh toán tỷ giá tăng vọt khiến doanh nghiệp phải điêu đứng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài cho biết, một DN có tiếng trên thị trường từng phải đối diện với khoản lỗ do tỷ giá tăng. Bởi với kim ngạch nhập khẩu khoảng 400 triệu USD/năm, chỉ cần tỷ giá ngoại tệ tăng lên 1%, DN này sẽ phải bỏ ra chục tỷ đồng để bù đắp cho sự biến động này. DN khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm làm từ cao su cũng đã chịu khoản lỗ đến 15 tỷ đồng do biến động tỷ giá.

Ví dụ: Một vụ “lỗ” do biến động tỷ giá điển hình là ở Công ty LG Electronics Vietnam. Vào năm 2008, do không sử dụng các biện pháp phòng rủi ro tỷ giá, thậm chí còn vay nhiều bằng tiền USD nên DN này đã mất tới 3 triệu USD chỉ trong một lần biến động tỷ giá lớn vào năm đó.

Bà Trần Hải Hạnh, Trưởng phòng Tài chính kế toán của LG Electronics Vietnam cho biết, công ty này nhập khẩu linh kiện nhiều, trong khi xuất khẩu hàng hóa đầu ra thường xuyên ít hơn do một phần hàng hóa sản xuất xong bán ngay trong nước nên lượng ngoại tệ thu về từ xuất khẩu luôn ít hơn lượng cần cho nhập khẩu. Nên khả năng dự báo biến động tỷ giá cũng là một trong những rủi ro rất lớn của công ty.

Chính vì không chủ động khoanh vùng rủi ro từ tỷ giá mang lại, các DN thường xử lý ở thế bị động bằng cách tăng giá bán hàng hóa dịch vụ. Nhưng rõ ràng, việc tăng giá trong bối cảnh hàng tồn kho cao, cạnh tranh hàng hóa giữa các công ty trong nước và giữa các nước ngày càng gay gắt thì đây không hẳn là giải pháp hay, thậm chí còn khiến DN kinh doanh càng thêm khó khăn hơn.

Trong khi biến động tỷ giá luôn là một ẩn số đối với các DN XNK và biến động này có thể gây nên thua lỗ lớn, số lượng DN thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hiện nay vẫn còn quá ít.

Những dẫn chứng đưa ra ở trên cho thấy một thực tế luôn đúng: Phòng hơn chống. Nếu chủ động, dù mất thêm một phần chi phí nhỏ nhưng bù lại, DN được bảo hiểm và miễn nhiễm khỏi rủi ro tỷ giá biến động.

III. Khó khăn về phương thức thanh toán quốc tế

1 Phương thức nhờ thu

Những tồn tại, vướng mắc về thực trạng thanh toán quốc tế theo phương thức nhờ thu của các doanh nghiệp Việt Nam:

Nghiệp vụ nhờ thu là một nghiệp vụ phụ thuộc khá chặt chẽ vào tình hình xuất nhập khẩu nói riêng và tình hình kinh tế đất nước nói chung. Bước vào hoạt động trong bối cảnh Việt Nam đứng trước những khó khăn, thử thách hết sức gay gắt: hạn hán, lũ lụt xảy ra liên tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân làm cho thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp, đầu tư nước ngoài bị giảm sút.

Tuy có an toàn hơn chuyển tiền nhưng không thể chắc chắn được việc thanh toán có thể thực hiện được. Khi gặp những khách hàng không thiện chí, họ không thể thanh toán hay không chấp nhận hối phiếu, doanh nghiệp có thể tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc trong việc thu hồi hàng hóa. Một bất lợi nữa của nhờ thu là khi hàng được gửi bằng đường hàng không hoặc bằng một vài hình thức vận tải nào khác, trong đó vận đơn đường biển được thay bằng một vận đơn hàng không hoặc một chứng từ tương tự nhưng khác với vận đơn đường biển, chúng không phải là chứng từ sở hữu hàng hoá.

Do đó, quyền kiểm soát hàng hóa sẽ được chuyển cho người mua khi giao hàng, dù thậm chí việc thanh toán chưa được thực hiện. Khi đó là người xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi.

a. Tồn tại, vướng mắc trong phương thức nhờ thu phiếu trơn:

Khó khăn cho nhà xuất khẩu:

Do việc trả tiền trong phương thức nhờ thu phiếu trơn không căn cứ vào bộ chứng từ hàng hoá, mà chỉ dựa vào hối phiếu do nhà xuất khẩu ký phát. Do đó còn nhiều tồn tại, vướng mắc gây khó khăn cho nhà xuất khẩu:

- Năng lực tài chính của nhà nhập khẩu còn yếu kém nên việc thanh toán dây dưa, chậm trễ và tốn kém.

- Một số nhà nhập khẩu chủ tâm lừa đảo, vẫn nhận hàng nhưng từ chối thanh toán hay từ chối ký chấp nhận thanh toán hối phiếu kỳ hạn.

- Đến hạn thanh toán hối phiếu kỳ hạn, nhưng nhà nhập khẩu không thể thanh toán hoặc không muốn thanh toán (do tình hình tài chính, tình hình kinh doanh của nhà nhập khẩu trở nên xấu đi, hay nhà nhập khẩu phát sinh chủ tâm lừa đảo) thì nhà xuất khẩu có thể kiện ra tòa nhưng tốn kém và không phải lúc nào cũng nhận được tiền.

Khó khăn đối với nhà nhập khẩu:

- Rủi ro phát sinh khi hối phiếu đòi tiền đến trước và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán, trong khi hàng hóa không được gửi đi, hoặc đã được gửi đi nhưng chưa tới, hoặc khi nhận hàng hoá có thể là không đảm bảo đúng chất lượng, chủng loại và số lượng như đã thỏa thuận trong hợp đồng thương mại.

- Như vậy, rủi ro đối với nhà xuất khẩu là rất lớn vì giữa việc nhận hàng và thanh toán của nhà nhập khẩu không có sự ràng buộc với nhau, cho nên nhờ thu phiếu trơn thường chỉ áp dụng trong những trường hợp nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu thực sự tin tưởng lẫn nhau, cụ thể là nhà xuất khẩu phải có thiện chí giao hàng, còn nhà nhập khẩu thì phải có thiện chí thanh toán.

b. Tồn tại, vướng mắc trong phương thức nhờ thu kèm chứng từ

Đối với nhà xuất khẩu:

- Khi ngân hàng xuất trình, trao bộ chứng từ hàng hoá cho nhà nhập khẩu để đi nhận hàng hoá trước khi nhà nhập khẩu thanh toán hay chấp nhận thanh toán. Rủi ro xảy ra đối với nhà xuất khẩu là không thu được tiền hàng hay bị kéo dài thời gian thanh toán tiền hàng dễ dẫn đến tình trạng phá sản. Còn rủi ro đối với ngân hàng nếu xảy ra tranh chấp thì ngân hàng sẽ mất uy tín trên trường quốc tế. Trường hợp này có thể xảy ra ở một số quốc gia, khi mà ngân hàng ưu tiên đặt mối quan hệ với doanh nghiệp trong nước lên trên trách nhiệm và nghĩa vụ của họ đối với doanh nghiệp bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

- Ngân hàng chuyển chứng từ sẽ không chịu bất kỳ rủi ro nào nếu ngân hàng xuất trình có sai sót trong việc thực hiện lệnh nhờ thu, thì rủi ro này đều do nhà xuất khẩu phải tự chịu:
Toàn bộ hay một phần chứng từ bị thất lạc.

Số hàng hóa (mà bộ chứng từ là đại diện) chỉ có thể được chuyển cho (hay theo lệnh của) ngân hàng xuất trình với sự đồng ý của ngân hàng này từ trước. Ngoài ra, ngân hàng không chịu bất cứ trách nhiệm nào về việc lưu kho, mua bảo hiểm, giao hàng hay dỡ hàng hoá.

Đối với nhà nhập khẩu:

- Cho dù nhà nhập khẩu có cơ hội kiểm tra chứng từ trước khi thanh toán hay chấp nhận thanh toán, nhưng hàng hoá thì có thể đã không được kiểm định, chưa được bảo hiểm đầy đủ, hay không tuân theo các tiêu chuẩn ghi trong hợp đồng thương mại. Nhà nhập khẩu có thể đứng trước rủi ro khi nhà xuất khẩu lập bộ chứng từ giả, có sai sót, hay cố tình gian lận thương mại để đi nhận hàng. Các ngân hàng không chịu trách nhiệm khi chứng từ là giả mạo hay có sai sót, hoặc hàng hóa hay phương tiện vận tải không khớp với chứng từ.

- Sau khi ký chấp nhận thanh toán hối phiếu kỳ hạn (hay phát hành kỳ phiếu), nhà nhập khẩu có thể bị nhà xuất khẩu kiện ra tòa nếu không thanh toán khi hối phiếu đến hạn. Thậm chí nhà nhập khẩu không thể dùng các lý do “chính đáng” để bào chữa cho việc thanh toán của mình như: nhà xuất khẩu đã không giao hàng, hay giao hàng có sai sót nghiêm trọng…

Điều này hàm ý, một nhà nhập khẩu đã ký chấp nhận thanh toán hối phiếu kỳ hạn, thì buộc phải thanh toán khi hối phiếu đến hạn một cách vô điều kiện, nếu không có thể bị ra toà. Sự không thanh toán hối phiếu đúng hạn sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng thương mại của con nợ.

- Nếu hoá đơn thanh toán bằng ngoại tệ, nhà nhập khẩu chịu rủi ro tỷ giá cho đến khi thanh toán.

Ví dụ:

Ngày 01/05/2008 Công ty TNHH xuất khẩu Minh Phát xuất trình bộ chứng từ nhờ thu trả chậm (D/A ) 90 ngày sau ngày B/L, trị giá USD 585,000, xuất khẩu cá basa cho Công ty Hoogland Foods BV của Hà Lan với ngân hàng thu hộ là Fortis Bank, ngày giao hàng là 26/04/2008, ngày đến hạn thanh toán là 25/07/2008.

Những việc thanh toán tiền hàng đã gặp rất nhiều khó khăn, đến ngày đáo hạn 25/07/2008 Cty Minh Phát vẫn chưa nhận được tiền thanh toán từ đối tác. Công ty Hoogland Foods BV là công ty của 1 người (ông Gert.J Hoodlands) để đăng ký kinh doanh tại Hà Lan.

Công ty TNHH xuất khẩu Minh Phát sang tận Hà Lan tìm gặp ông Gert.J Woodlands nhưng vẫn khó có thể gặp được, liên hệ điện thoại với Công ty Hoogland Foods BV thì... không có người nghe máy, lý do là Công ty Hoogland Foods BV là công ty của 1 người (ông Gert.J Hoodlands)để đăng ký kinh doanh tại Hà Lan.

Trong giao dịch với các doanh nghiệp Việt Nam, phía nước ngoài ( Hoogland Foods BV) đều đề nghị phương thức thanh toán D/A (thanh toán nhờ thu chấp nhận chứng từ - người mua hàng sẽ ký chấp nhận lên hối phiếu và gửi lại cho ngân hàng nhờ thu). Tuy nhiên sau khi giao hàng “đối tác” này cứ...lần lữa không thanh toán. Người giao dịch với phía doanh nghiệp Việt Nam là ông Gert.J Woodlands, Giám đốc Công ty Hoogland Foods BV, nhưng khi ký hợp đồng thì thường lấy tư cách pháp nhân là Công ty Star Procurement Inc.

Trước tình huống trên, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải thuê luật sư để nhờ tòa án bắt giữ tài sản mới thu được tiền hàng.Vừa qua, một số cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, như Pakistan, Singapore, Hà Lan… cũng đã đăng tải thông tin cảnh báo về việc doanh nghiệp Việt Nam không được thanh toán tiền hàng khi chấp nhận phương thức thanh toán D/A, D/P (thanh toán nhờ thu kèm chứng từ - người mua sẽ gửi lại cho ngân hàng lệnh chi), đặc biệt là giao dịch với những đối tác mới.

Một ví dụ khác đó là trường hợp công ty TNHH xuất khẩu Navico trong năm 2001, sau khi giao hàng xuất khẩu cá basa đi Mỹ cho người bán là Seafoods company. Công ty đã lập bộ chứng từ xuất khẩu và nhờ NHĐT & PTVN – Chi Nhánh Đông Đô gửi nhờ thu theo phương thức thanh toán nhờ thu trả chậm sau 50 ngày kể từ ngày phát hành vận đơn. NHĐT & PTVN – Chi Nhánh Đông Đô đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy trình nhờ thu của ngân hàng, gửi bộ chứng từ đến ngân hàng Bank of America nhờ thu hộ số tiền trên hối phiếu và chứng từ 47.500 USD, ngân hàng Bank of America sau khi nhận chứng từ đã xử lý theo đúng thủ tục của nghiệp vụ nhờ thu đã điện báo chấp nhận trả lại số tiền cho Navico vào ngày đáo hạn.

Nhưng đến ngày đáo hạn, người mua không thanh toán, NHĐT & PTVN – Chi Nhánh Đông Đô đã điện tra soát, đôn đốc ngân hàng nước ngoài trả tiền cho người bán, nhưng người mua không thanh toán và gửi trả hàng cho người bán vì ngân hàng Bank of America đã gửi trả chứng từ cho người bán.

Trong tình huống này, NHĐT & PTVN – Chi Nhánh Đông Đô đã thu được nợ chiết khấu từ Navico từ nguồn tiền bán hàng khác. Tuy nhiên, công ty Navico cũng phải gánh chịu tổn thất giảm giá hàng và tìm đối tác khác bán lô hàng này và phải giảm đến 50% trị giá lô hàng.

Những Khó Khăn Trong Thanh Toán Quốc Tế

2. Phương thức chuyển tiền

Thanh toán bằng chuyển tiền hoàn toàn dựa trên uy tín và quan hệ tốt đẹp giữa các bên. Nếu người mua không có thiện chí, sau khi nhận hàng có thể từ chối trả tiền hoặc thậm chí từ chối việc thực hiện hợp đồng bằng cách không nhận hàng và không thanh toán tiền hàng. Lường trước được những hạn chế đó, các Công ty xuất nhập khẩu Việt Nam chỉ dùng phương thức chuyển tiền với một số ít khách hàng quen thuộc.

Nhà nhập khẩu cũng như nhà xuất khẩu Việt Nam thường có vị thế không cao trong quan hệ mua bán nên thường gặp một số khó khăn nhất định trong việc thanh toán hay đòi tiền. Khi nhập khẩu thì bị các nhà xuất khẩu nước ép thanh toán ứng trước, còn khi xuất khẩu thì ngược lại là bị đối tác nước ngoài trì hoãn việc thanh toán.

Thanh toán chuyển tiền thì người bán hàng luôn “cầm dao đằng lưỡi”. Anh Lương Quang Diệu, Phó giám đốc phụ trách về xuất nhập khẩu của Công ty TNHH luật Việt Á, cho rằng phương thức thanh toán xuất nhập khẩu quốc tế bằng TT tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là thời kinh tế khó như hiện nay. Tất cả chỉ dựa bằng uy tín, nhiều khách hàng không cố tình quỵt đơn hàng, mà họ cũng là nạn nhân bị nhà phân phối không có khả năng thanh toán, dẫn đến “đẩy” gói rủi ro sang cho nhà sản xuất.

Ví dụ:

Gần đây, một số doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu ở tỉnh Đồng Nai đã gặp phải tình trạng khách “xù” tiền hàng, có nơi thì bị làm giá lại rất bất lợi. Chủ một doanh nghiệp làm hàng mây tre đan xuất khẩu ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) kể, đầu năm nay doanh nghiệp xuất một đơn hàng trị giá 30 ngàn USD cho khách hàng quen ở Hàn Quốc. Hàng sang đến nơi nhưng khách cứ dây dưa không chịu thanh toán. Hơn 5 tháng qua, mỗi khi đòi tiền đều nhận được trả lời: hàng bán không được, lại đang gặp khó khăn về tài chính nên sẽ thanh toán chậm. Chậm đến bao lâu doanh nghiệp cũng không được xác định.

Giám đốc doanh nghiệp này nói: “Làm ăn với nhau cũng mấy năm nay rồi, thấy họ thanh toán tiền đàng hoàng, không khi nào bị trễ cả, nên tôi cũng không biết họ khó thật hay khó giả và liệu có trả tiền hay không”.

Thời gian đầu, doanh nghiệp này xuất khẩu hàng đều thực hiện L/C, sau hơn 1 năm thấy khách hàng khá tốt và họ đề nghị thanh toán bằng TT để không bị đọng vốn, bởi nếu thanh toán bằng L/C, nhà nhập khẩu phải nộp số tiền tương ứng giá trị đơn hàng vào ngân hàng tại Hàn Quốc ngay sau khi ký hợp đồng, như vậy từ khi ký hợp đồng đến lúc nhận được hàng thời gian tới gần 2 tháng. Thấy đề nghị phía khách hàng có lý, đồng thời muốn giữ khách thời kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đã đồng ý. Sau gần 4 năm làm ăn với nhau khá xuôi chèo mát mái, thì nay doanh nghiệp này đã vấp phải rủi ro.

Cũng tại phường Tân Biên, giữa năm 2012 một doanh nghiệp làm đồ gỗ xuất khẩu đã “hứng trọn” một hợp đồng 50 ngàn USD khi hàng đi mà không thấy tiền về. Chủ doanh nghiệp sang tận Mỹ tìm để đòi tiền nhưng chỉ thêm tốn tiền vé máy bay.

Cùng trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, ông H, chủ một DNTN ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) mới đây cũng bị khách hàng trừ 20% tiền hàng với lý do hàng bị hư. Theo ông H thì đây là “chiêu” mà doanh nghiệp phải chấp nhận. Nếu không, có nguy cơ không lấy được tiền. “Nếu đúng hàng hư, khách hàng phải chụp hình sản phẩm rồi gửi cho mình xem. Đằng này họ không làm theo yêu cầu trên và nêu ra lý do đã bán cho nhà phân phối với giá rẻ rồi” - ông H chia sẻ.

Trường hợp người mua phải thanh toán ứng tiền thì rủi ro lớn cho người mua, người mua sẽ rất dễ mất khoản tiền đã ứng trước nếu người bán gặp khó khăn hoặc không trung thực.

3. Phương thức tín dụng chứng từ

Ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, hình thức thanh toán tín dụng chứng từ (L/C) chiếm tỷ trọng khoảng trên 60%, thậm chí theo thống kê ở một số ngân hàng, phương thức này chiếm tỷ trọng lên tới 80-90% các phương thức thanh toán quốc tế, cho thấy phương thức này được các doanh nghiệp lựa chọn rất nhiều trong thanh toán quốc tế vì những ưu điểm của nó. Tuy nhiên ở các doanh nghiệp Việt Nam có khoảng 70% chứng từ xuất trình theo L/C bị ngân hàng từ chối do có sai sót.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam còn yếu trong việc lập bộ chứng từ. Những sai sót tưởng như rất nhỏ bé, đơn giản như sai chính tả, tên, địa chỉ, số lượng và cả những sai sót lớn hơn như thiếu loại chứng từ, không thống nhất với nhau, hối phiếu ghi sai người ký phát đều gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thanh toán. Trên thực tế, để có thể lập được một bộ chứng từ hoàn hảo là một điều rất khó khăn nếu như không nhận được thiện chí từ phía người mua.

Đa phần các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước không có bộ phận chuyên trách để chuyên lập và xử lý chứng từ L/C hoặc bộ phận này chỉ kiêm nhiệm.

Hoạt động của một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay còn bán chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm giao dịch trên thị trường quốc tế.

Gần đây các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều gian lận trong thanh toán quốc tế và ngày càng phức tạp.

Gặp rủi ro trong giao dịch, nhẹ (nói dối về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng), nặng (lừa đảo trong khối lượng hàng hóa và gian lận thanh toán).

Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cẩn trong thanh toán quốc tế. Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là khi thanh toán quốc tế không xem kỹ các chứng từ L/C, không hiểu biết đầy đủ các hợp đồng và điều khoản đi kèm; không nắm bắt được một cách đầy đủ về các thủ tục giao nhận hàng, nhận biết đơn hàng cũng như các biện pháp quản lý rủi ro về mặt chứng từ, lãi suất, tỷ giá…Điều này là hệ quả của việc nguồn nhân lực chưa đạt tiêu chuẩn.

Một ví dụ điển hình đã xảy ra tại Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp I - Bộ Thương Mại đó là một hợp đồng xuất khẩu sợi bông sang Singapore, hợp đồng đã ký kết, thỏa thuận, thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ và Công ty đã giao hàng. Trong quá trình hàng được vận chuyển, bên nước người nhập khẩu, giá sợi bông giảm hơn rất nhiều so với giá mà Công ty xuất khẩu và họ đã không muốn mua lô hàng này với giá đó nữa. Rất không may, trong bộ chứng từ Công ty lập ra có một sai sót, dù rất nhỏ về địa chỉ giao hàng, sai sót này có thể hoàn toàn thương lượng được nhưng bên nhập khẩu không chấp nhận và ngân hàng phục vụ cho bên nhập khẩu từ chối thanh toán.

Trước tình huống đó, Công ty đã phải tiến hành thương lượng với phía nhập khẩu, chấp nhận hạ giá thành xuống so với hợp đồng để giải quyết số hàng và với hợp đồng này, Công ty đã phải chịu thiệt hại.

Trên đây là một số khó khăn trong vấn đề thanh toán quốc tế, hy vọng thông tin trên đây sẽ hữu ích tới bạn.

Bạn muốn học nghiệp vụ xuất nhập khẩu và thực hành những phần Khóa học khai báo hải quan cùng chuyên gia XNK, hãy tham gia khóa học nghiệp vụ xuất nhập khẩu thực tế tại Xuất nhập khẩu Lê Ánh để bổ sung kiến thức, trải nghiệm thực tế và hoàn thiện kĩ năng. 

Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng giải đáp những băn khoăn về nghiệp vụ, về lộ trình học xuất nhập khẩu phù hợp với trình độ của bạn.

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết về các khóa học xuất nhập khẩu: 0904848855/0966199878

>>>>>> Xem thêm:

Hệ Thống Swift Trong Thanh Toán Quốc Tế

Local charges là gì? Local charges gồm những phí gì?

Phương thức thanh toán T/T

Một số lưu ý khi nhận được L/C

Nguyên nhân dẫn đến chứng từ thanh toán LC có sai sót 

 

 

Bình luận
Đánh giá của bạn
ĐĂNG KÝ KHÓA HỌC

Đăng ký khóa học ngay hôm nay để nhận được nhiều phần quà hấp dẫn

Hotline: 0966199878

Đăng ký
khoa-hoc-xuat-nhap-khau-tphcm 0904.848.855 - 0966.199.878